isearch

XUẤT KHẨU CÁ TRA THÊM LỢI THẾ BẤT NGỜ TỪ CÁ MINH THÁI VÀ GIÁ XĂNG DẦU

Thứ 5, 03/03/2022, 19:08 GMT+7

(ĐTCK) Cá tra là mặt hàng thịt trắng cạnh tranh trực tiếp với cá minh thái với cường quốc xuất khẩu chủ lực trên thế giới là Nga. Xung đột vũ trang Nga - Ukraine với các lệnh trừng phạt kinh tế nhắm vào Nga có thể tạo ra lợi thế với cá tra Việt Nam.

Xuất khẩu cá tra thêm lợi thế bất ngờ từ cá minh thái và giá xăng dầu

Theo VASEP, cá minh thái là đối thủ cạnh tranh chính của cá tra. Cá minh thái được ưa thích do được khai thác tự nhiên, giá rẻ tương đương cá tra nuôi. Họ cá này phân bố ở Bắc Băng Dương, bắc Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, trong các vùng nước ven Bắc cực và ôn đới. Chúng đứng thứ hai về sản lượng cá biển được đánh bắt trên toàn thế giới, chủ yếu tập trung ở Nga và Mỹ. Đây là nhóm cá thịt trắng và được tiêu thụ nhiều nơi trên thế giới.

Năm 2007 – 2008, nhiều nước giảm tối đa việc khai thác cá minh thái để duy trì tự nhiên, làm cho nguồn cung sản phẩm cá minh thái giảm mạnh. Theo đó, giá cá tra đột ngột tăng vọt do được nhiều nhà nhập khẩu Âu, Mỹ chọn là sản phẩm thay thế cho cá minh thái. Sau thời gian giảm khai thác, sản lượng cá minh thái tự nhiên phục hồi, trở thành đối thủ đáng gờm với cá tra.

Cá minh thái của Nga xuất đi toàn cầu. Vì vậy, nếu cá minh thái bị hạn chế nhập khẩu bởi các lệnh trừng phạt với Nga thì nguồn cung cá sẽ thiếu hụt trầm trọng và cá tra của Việt Nam sẽ là sản phẩm thay thế hàng đầu. Trước đó, Nga đặt mục tiêu bắt kịp sản lượng cá minh thái với Mỹ năm 2022. Trong năm 2022, sản lượng cá minh thái của Mỹ thấp hơn do việc nước này cắt giảm đánh bắt tại vùng biển Alaska.

Tại Hội nghị triển khai kế hoạch phát triển ngành cá tra năm 2022 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tại Cần Thơ ngày 25/2, các doanh nghiệp cho biết, hiện nay, giá xăng dầu tăng cao, giá cá biển thế giới tăng cao, đánh bắt biển đã và sẽ tiếp tục bị giới hạn, do vậy cá nuôi nước ngọt (cá tra) của Việt Nam sẽ có chỗ đứng hơn trên thị trường thế giới.

Năm 2022, ngành cá tra dự kiến sản xuất khoảng từ 1,6 - 1,7 triệu tấn cá tra thương phẩm; kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt trên 1,6 tỷ USD.

VASEP dự báo, giá xuất khẩu cá tra ở tất cả thị trường đều tăng ít nhất 5%, xuất khẩu cá tra trong năm 2022 tăng từ 20 - 25% so với năm 2021, các thị trường lớn nhất như Mỹ và Trung Quốc đều neo mức giá cao.

Hiện giá cá tra nguyên liệu đã lên tới 30.000 đồng/kg, là mức kỷ lục đã từng đạt được vào năm 2018. Nguyên nhân khiến giá cá tra nguyên liệu được đẩy lên cao, theo ông Lê Thanh Thuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Đa quốc gia (IDI) là do sau hai năm bị tác động bởi dịch Covid-19 khiến khu vực nuôi thua lỗ rất nhiều, dẫn đến một số đã nghỉ, trong khi số còn lại cũng khó phát triển. Thậm chí ông Thuấn cho rằng đến tháng 4, các doanh nghiệp không có vùng nuôi và chủ động về nguồn nguyên liệu, còn không có đủ cá để chế biến.

Trong khi đó, nhu cầu của thị trường, nhất là ở thị trường Mỹ, Mỹ Latin, cá loại dưới 1 kg/con hiện có giá rất cao. Đã có những hợp đồng lên tới 6 USD/kg. Đây là mức giá cao lịch sử mà ngành hàng này chưa từng đạt được trong quá khứ.

Tác giả Nguyễn Đoàn (tinnhanhchungkhoan)

Chia sẻ: