Trong 7 tháng đầu năm 2022, khối thị trường CPTPP tiêu thụ hơn 13% tổng XK cá tra của Việt Nam với giá trị 211,4 triệu USD, tăng 73% so với cùng kỳ năm 2021. Đối với cá tra, nhóm thị trường các nước CPTPP vẫn có sức hút lớn và có nhiều dư địa cho doanh nghiệp Việt.
Chiến mã IDI tiếp tục tăng tốc cung cấp sản phẩm cho thị trường các nước CPTPP
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), riêng trong tháng 7-2022, XK cá tra sang các nước thuộc CPTPP vẫn giữ được mức tăng trưởng 3 con số 123% đạt trên 31 triệu USD. Trừ New Zealand không tăng NK cá tra Việt Nam, các thị trường còn lại đều tăng mạnh NK cá tra Việt.
Trong đó, XK cá tra sang Canada tăng đột phá nhất, gấp hơn 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ đứng sau Mexico (chiếm 4,5% với gần 73 triệu USD), XK cá tra sang Canada chiếm tỷ trọng 2,5% với trên 40 triệu USD trong 7 tháng đầu năm nay. Trong đó, 92% sản phẩm cá tra XK sang thị trường này là cá phile/cắt khúc đông lạnh, sản phẩm cá nguyên con đông lạnh chỉ chiếm hơn 6%, còn lại là cá tra chế biến.
Ngoài ra, XK cá tra sang các thị trường Australia, Singapore, Malaysia và Chile đều tăng trưởng 3 con số trong tháng 7, với tỷ lệ tăng từ 108 – 166% so với cùng kỳ. Trong tháng 7, Nhật Bản cũng tăng 66% NK cá tra từ Việt Nam. Những thị trường trên đều chiếm từ 1,3 – 1,5% tổng kim ngạch XK cá tra Việt Nam trong 7 tháng đầu năm.
Nhìn chung trong các thị trường thuộc khối CPTPP, cá tra XK sang Canada vẫn có giá trung bình cao nhất. Giá trung bình cá tra phile đông lạnh XK sang Canada trong tháng 7 đạt 3,34 USD/kg, giảm nhẹ so với mức trung bình 3,66 USD/kg trong tháng 6.
Dù Mexico đứng đầu khối về NK cá tra Việt Nam, nhưng giá trung bình XK sang thị trường này chỉ đạt trong 7 tháng đầu năm chỉ đạt 2,8 USD/kg. Australia cũng là thị trường hấp dẫn với các DN cá tra Việt Nam với giá trung bình NK tương đối cao, đạt 3,26 USD/kg trong 6 tháng đầu năm và 3,3 USD/kg trong tháng 7/2022.
Sức bật của IDI hậu Covid
Trong khi giá trung bình XK sang một số thị trường có xu hướng chững lại trong tháng 7 thì giá XK cá tra sang Singapore lại tăng lên 3,05 USD/kg, sau khi đạt trung bình 2,39 USD/kg trong 6 tháng đầu năm.
Trong khi XK thủy sản nói chung và cá tra nói riêng sang nhiều thị trường gặp bất ổn vì biến động tiền tệ và cước vận tải quá cao, thì CPTPP lại ít bị tác động bởi những thách thức trên.
Thuế nhập khẩu 0% theo hiệp định CPTPP và sự lựa chọn của người tiêu dùng chuyển sang loài cá có giá vừa phải như cá tra, là những yếu tố giúp XK cá tra sang các nước CPTPP giữ được tăng trưởng đầy lạc quan từ đầu năm đến nay và vẫn có thể giữ đà tăng trưởng tốt trong những tháng cuối năm.
IDI là một trong những doanh nghiệp tiên phong mở cửa thị trường các nước CPTPP từ những năm 2018 và là doanh nghiệp chiếm thị phần cao nhất tại CPTPP. Trong đó, Mexico chiếm (24.5%), Singapore (1.3%), Australia (2.3%), Chile (1%), New Zealan (1%),…
Hiện nay, ngoài xuất khẩu sang các thị trường như: Trung Quốc và Mỹ, EU,… thì CPTPP đang là thị trường lớn của IDI với tỷ trọng tới hơn 30% doanh thu. Đây là thuận lợi rất lớn của doanh nghiệp, khi thị trường này được xem là điểm sáng của ngành cá tra Việt Nam trong thời gian tới.
IDI sở hữu vùng nuôi liên kết rộng lớn, quy mô hơn 350 ha, tổng sản lượng khoảng 85.500 tấn cá nguyên liệu/năm, chiếm 90% tổng sản lượng nguyên liệu cần cho 2 nhà máy chế biến thủy sản. Đồng thời, tạo việc làm ổn định cho hơn 5.000 cán bộ công nhân viên. Công ty đã đầu tư nhà máy chế biến thủy sản số 3, với trang thiết bị hiện đại, được nhập khẩu từ châu Âu, có công suất 500 tấn nguyên liệu/ngày. Qua đó, không chỉ giúp IDI chủ động hoàn toàn trong chiến lược cung cấp nhiều dòng sản phẩm cho thị trường CPTPP mà cả trên toàn cầu.
Hải Yến